Lễ Trọng Kính Mình Máu Thánh Chúa Kitô – Ngày 6 tháng 6, 2021

Phó tế W. Patrick Cunningham

 

Các bài đọc: Xh 24: 3–8 • Tv 116: 12–13, 15–16, 17–18 • Dt 9: 11–15 • Mc 14: 12–16, 22–26   

bible.usccb.org/bible/readings/060621.cfm

 

Một trong những người bà con gần của tôi đã trở lại Giáo Hội Công giáo. Khi được hỏi tại sao chị ấy trở thành người Công giáo, và bây giờ vẫn còn là người Công giáo bất chấp những vụ tai tiếng và đả kích của văn hóa, chị ấy lúc nào cũng chỉ có cùng một câu trả lời trích Phúc âm thánh Gioan đoạn 6. Tuy lớn lên trong một giáo phái Tin lành và rất quen thuộc với cả Cựu ước lẫn Tân ước, nhưng chị lại luôn cảm thấy hơi khó chịu khi cộng đoàn của chị “rước lễ” chỉ một lần mỗi tháng. Có lẽ mục sư đã nói điều gì đó, chẳng hạn "tất nhiên đây không phải là Mình và Máu Chúa Giêsu, nhưng chỉ là một biểu tượng." Mỗi khi đọc Phúc âm Gioan, chắc chị sẽ gặp những lời của Đức Kitô: “Ai ăn thịt và uống máu Ta, thì được sống muôn đời, và Ta sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết. Vì thịt của Ta thực là của ăn, và máu của Ta thực là của uống. Ai ăn thịt và uống máu Ta thì ở lại trong Ta, và Ta ở lại trong người ấy. Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai Ta, và Ta sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn Ta, cũng sẽ nhờ Ta mà được sống như vậy. Đây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn và họ đã chết. Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời”. (Ga 6: 54–58) Theo ý nghĩ của chị tôi thì hoặc là Đức Giêsu muốn người ta hiểu đúng như điều Người đã nói hay là Người công khai nói dối, cho nên Giáo hội chân chính phải là Giáo hội ngay từ đầu đã khẳng định rằng Thánh Thể “của họ” đã và đang vẫn thực sự là Mình và Máu Chúa Kitô hiện diện hữu hình và sẵn sàng để nuôi dưỡng chúng ta.

 

Thuật lại thời gian từ tuần lễ Vượt Qua vào năm cuối cùng sứ vụ ở trần gian của Chúa Giêsu, bài Phúc âm hôm nay trình bày hồi tưởng của Thánh Phê-rô về việc thiết lập Bí tích Thánh Thể là hồi tưởng ấy đã được truyền lại cho Thánh Mác-cô vài năm sau đó. Bài Tin Mừng Mác-cô bắt đầu câu chuyện ngay sau khi Giu-đa mặc cả một số tiền để nộp Chúa Giê-su cho nhà cầm quyền Do Thái ở Giê-ru-sa-lem. Có lẽ để nhận diện người Ga-li-lê làm phép lạ mà các viên chức của thầy thượng tế chưa biết mặt nên cần phải có một “kẻ nội gián”. Giu-đa Is-ca-ri-ot tình nguyện trở thành người mà các “thầy thượng tế” cần, và anh ta bắt đầu tìm cơ hội để phản bội Chúa chúng ta. Như trong đoạn Phúc âm này, cuộc bàn luận về sự phản bội trong Bữa Tiệc Ly giữa Chúa Giêsu và các môn đệ Người đã được lấy ra khỏi bài đọc. Sự thật quan trọng nhất chúng ta chú ý đến hôm nay là sự nối kết chặt chẽ giữa hy lễ đ máu của Giao ước Cũ với việc dâng hiến Máu Châu Báu Đức Kitô trên thập giá và với cuộc tái diễn lễ hy sinh không đổ máu mà chúng ta cử hành hàng ngày trong các Thánh lễ trên toàn thế giới. Rồi trong mỗi phần của ba thứ hy lễ thuộc mầu nhiệm giữa Thiên Chúa và con người trong tuần này, bắt đầu với lễ quen được gọi là lễ “Mình Thánh Chúa” và kết thúc bằng hai lễ đi với nhau là lễ Thánh Tâm Chúa Kitô và lễ Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria, chúng ta đều nhận ra một thực tại là sự hiện diện của Chúa Kitô.

 

Hôm nay, Môi-sen xuất hiện tại ngọn núi trước sự hiện diện của Thiên Chúa, sự hiện diện khiến người ta phải kinh ngạc, thậm chí còn sợ hãi nữa, và ông cũng hiện diện như vậy với dân Thiên Chúa và mang đến lời Thiên Chúaông viết xuống để chuẩn bị cho nội dung giao ước. Một số bản dịch đã dịch chữ b’riyt trong tiếng Do Thái là “thỏa thuận”, nhưng đó không hoàn toàn chính xác. Khi hai bên thi hành một b’riyt, thì động từ được sử dụng có nghĩa là “xẻ làm đôi”. Giao ước được đóng ấn bằng máu của hy lễ như thấy nhất trong Sáng Thế 15:1–20. Trong một thị kiến, Thiên Chúa hiện ra với Áp-ra-ham, “vị ngôn sứ” được Chúa chọn bảo ông “Đừng sợ. . . Ta là khiên thuẫn của ngươi, là phần thưởng lớn lao của ngươi”. Người hứa với Áp-ra-ham rằng ông và Sa-ra lúc ấy chưa có con sẽ có hậu duệ đông đảosở hữu đất Ca-na-an. Áp-ra-ham hỏi lại làm sao ông biết được điều hứa này thì Thiên Chúa đã chỉ thị cho ông mang theo một con bò cái tơ, dê, cừu đực, chim bồ câu và chim gáy, xẻ chúng làm đôi và đặt nửa này đối diện với nửa kia. Bầy kên kên và muông thú trên trời gần đó sà xuống để ăn, nhưng Abraham đuổi chúng đi. Trong một giấc mơ đầy tăm tối kinh hoàng, Áp-ra-ham nhìn thấy hậu duệ của mình phải làm nô lệ ở một vùng đất xa lạ và Thiên Chúa hứa sẽ giải cứu họ rồi sẽ đem họ trở lại Ca-na-an một khi “sự gian ác của người A-mô-rô” đã đủ mức”. Thiên Chúa đóng ấn giao ước bằng cách đi qua giữa các con vật được xẻ đôi, để bảo đảm về phía Thiên Chúa rằng lời Người hứa ban đất đai và hậu duệ sẽ được thực hiện. Nửa phần còn lại của giao ước đã được đóng ấn (“xẻ làm đôi”) trong máu do việc cắt bì của Áp-ra-ham và cuối cùng là Y-sa-ac.

 

Như vậy, Môi-se tiếp tục truyền thống này trong Giao ước của Luật cũ bằng cách đọc các mệnh lệnh của Thiên Chúa (có lẽ là Mười Điều Răn) và viết ra. Vì núi, dân chúng và giao ước phải thánh thiện nên ông đã dựng một bàn thờ ở chân núi, cùng với mười hai cây cột, mỗi cây cột ám chỉ một chi họ Is-ra-en. Các con đã bị sát tế và máu của chúng được gom lại. Một nửa dùng để rưới trên bàn thờ (tức là nửa phần Giao ước của Chúa) và một nửa theo nghĩa đen là “được rảy trên gia đình” Is-ra-en, kèm theo những lời “đây là máu của giao ước”. Sau đó, các trưởng lão của Is-ra-en đi lên núi và giống như Áp-ra-ham trước đây, họ được xem thấy Thiên Chúa của Is-ra-en, cùng ăn với nhau, nhưng không phải chết. Như vậy, Giao ước Cũ đã được chứng thật bằng máu cùng với một bữa tiệc hiến tế.

 

Đáp ca hôm nay Thánh Vịnh 116 được đọc trong Các Giờ Kinh Phụng Vụ ít nhất hai tuần một lần vào thứ Sáu. Đó là một bài thánh ca Lễ Vượt Qua, có thể đã được Chúa Giêsu và các tông đồ hát lên khi các ngài đi đến Vườn Ghết-sê-ma-ni sau khi kết thúc Bữa Tiệc Ly. Lời lẽ của bài thánh ca rất thích hợp cho Thứ Năm Tuần Thánh và Lễ Trọng kính Mình Máu Thánh Chúa, bởi vì Chúa Giêsu đã thi hành lời Người đã hứa: “Lạy Chúa, con đến để thực thi ý Người” vào những giờ sau đó khi Người đổ máu ra trên thập giá.

 

Trong giáo lý của chúng ta, chúng ta tin rằng đối với Giao Ước Mới, Chúa Giêsu vừa là tế vừa là hy lễ. Tác giả Thư Do Thái dành nhiều câu để bênh vực chức tư tế của Đức Kitô “theo phẩm trật Men-ki-xê-đê”, vì Chúa Giêsu thuộc chi họ Giuđa chứ không phải Lêvi. Sau khi làm như thế để vừa lòng mọi người, tác giả thư Do-thái quay về các nghi lễ của Ngày Lễ Xá Tội (Lev 16:29 và 23:27) khi thầy thượng tế của dân Do Thái bước vào nơi Thiên Chúa hiện diện sau tấm màn nơi Cực Thánh để làm việc đền tội cho mọi người bằng máu các con vật được sát tế. Trong việc Đức Ki-tô đền tội cho chúng ta, Chúa Giê-su, Đấng Mê-si-a, là vị Thượng Tế đích thực và muôn đời, đã đi qua lều tạm trên trời mà tiến vào trước sự hiện diện của Thiên Chúa bằng chính Bảo Huyết của Người. Nhờ Chúa Thánh Thần, Người đã dâng Mình và Máu của Người lên Thiên Chúa để lương tâm luân lý (syneidēis) của chúng ta được thanh tẩy khỏi những việc làm gây ra cái chết (tội lỗi). Ở đây, hy tế trong Máu Đức Kitô được liên kết với Giao ước Mới với Chúa Giêsu là tư tế và đấng trung gian muôn đời, chứ không phải liên kết với Môi-sen. Lời hứa giao ước này không phải là sẽ được đất đai ở trần gian, mà là “được hưởng sự sống vĩnh cửu”. Tất nhiên, điều này cũng hoàn toàn liên kết với những lời Chúa Giêsu hứa ban sự sống đời đời cho những ai ăn Mình và uống Máu Người cách xứng đáng.

 

Với tất cả những điều này trong tâm trí, chúng ta cùng các môn đệ Chúa Giêsu vâng theo chỉ thị của Người để chuẩn bị cho bữa tiệc Vượt Qua. Chúng ta gặp chủ nhân của căn phòng khách, nơi gia đình là các tông đồ được Chúa Giêsu kêu gọi sẽ cử hành việc khởi đầu Lễ Vượt Qua đích thực và vững bền. Trong nghi thức bữa ăn Vượt Qua gồm có việc chúc tụng và uống bốn chén rượu, có lẽ đến chén thứ ba thì Chúa Giêsu cầm lấy bánh, tạ ơn rồi bẻ ra đưa cho họ và nói: “Hãy cầm lấy mà ăn. Đây là Mình Thầy". Với chén rượu, Người tạ ơn và trao cho họ, tuyên bố rượu này thực là “máu giao ước của Thầy, đã đổ ra cho nhiều người”. Nếu các học giả nói đúng, thì Người đã không uống chén rượu thứ tư là “sản phẩm từ cây nho” cho đến khi Người là Chiên Con Vượt Qua đích thực trên bàn thờ thập giá đã nhận lấy giấm chua làm chén thứ tư, rồi tuyên bố “mọi sự đã hoàn tất” và như thế Người đã đóng ấn cho Giao Ước Mới bằng cái chết của Người.

 

Nói Bí tích Thánh Thể “chỉ là một biểu tượng” tức là gọi Chúa Giêsu là một kẻ nói dối và lừa đảo. Có thật như vậy không?

 

Nguồn: The Homiletic & Pastoral Review – (hprweb.com)

Chuyển ngữ: JB. Đào Ngọc Điệp

 

 


Suy Niệm Lời Chúa Năm B